1. TUỔI DI SẢN ĐUA THUYỀN LỆ THỦY
Khoảng 700 năm
Tịch thư ghi nhận vào cuối thế kỷ XIV, đại thần hai triều Trần - Hồ là Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407) được phong chức "Sung Cát Địa Sứ" đi du khảo vào xứ Lâm Bình thấy vùng đất này trù phú và dân thưa thớt nên đã đưa 13 dòng họ từ phía Bắc (chủ yếu Thanh Hóa) vào đây khai phá. Trước thì không rõ nhưng từ khi có cộng đồng cư dân theo cụ Hoàng đến đây làm lúa nước thì xuất hiện Hội đua thuyền để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và cũng là dịp để những người ly hương gặp nhau hàn huyên cho đỡ nhớ bản quán. Lễ - Hội đua thuyền được ra đời từ đó.
2. VÀI NÉT LỊCH SỬ
Nguyên ủy, đua thuyền là nghi thức trong một nghi lễ tâm linh là lễ "Cầu đảo" - cầu mưa. Lễ này thường diễn ra vào tháng Bảy âm lịch.
Tuy nhiên, sau khi dân đã an cư lạc nghiệp, đời sống khá giả thì cộng đồng cư dân đã bắt đầu tổ chức những hoạt động văn hóa cộng đồng để giao lưu, chia sẽ niềm vui sau những mùa vụ lao động mệt nhọc. "Hội Xuân" ra đời. Trong hội xuân có nhiều lễ, hội nhưng đua thuyền là một lễ hội có tính cộng đồng cao nên đã tiếp nhận hội đua thuyền từ chỗ là "Lễ" trong nghi thức "Cầu đảo" sang "Hội" là hình thức phô diễn của Hội Xuân. Lịch sử ghi nhận đua thuyền trong Hội Xuân vào rằm tháng Giêng hàng năm. Tiến sĩ Dương Văn An (1514 - 1591) viết trong "Ô châu cận lục": "Sang xuân mở hội đua thuyền..."
Vậy là thứ TK XIV, đua thuyền vừa diễ ra trong Hội Xuân rằm tháng Giêng (Tết Thượng nguyên), vừa diễn ra trong lễ cầu đảo tháng Bảy.
Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, Chỉ 1 năm sau, huyện Lệ Thủy tổ chức đua thuyền chào mừng Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tròn 1 tuổi và lễ hội từ đó được gắn với "Tết Độc lập" để thành "Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập", ngày nay thành Di sản Quốc gia.
3. TÊN LỄ HỘI
"Lễ hội đua thuyền" là cái tên trong Quyết định ghi danh Di sản Văn hóa quốc gia và trên diễn văn.
Trong lễ hội có sự phô diễn của hai đội thuyền:
Đội thuyền nam thì gọi là "bơi": nôốc bơi/đò bơi
Thuyền nữ thì gọi là "đua": nôốc đua/đò đua.
4. CHỌN GỖ ĐÓNG THUYỀN
Tiêu chuẩn gỗ đóng thuyền là loại gỗ có thứa thẳng, bền, thớ dọc để chuyển lực chứ không đùn lực, tốt nhất là gỗ huện (huệng).
Cấm/kiêng cữ là gỗ có dây leo quấn vào (thực vật ký sinh) vò quan niệm dây quấn giữ chân, thuyền khó thanh thoát.
5. THUYỀN BƠI VÀ THUYỀN ĐUA
Thuyền bơi và thuyền đua của Lệ Thủy khác xa toàn quốc là bởi đó là "thuyền chuyên dụng".
Đua thuyền là hình thức văn hóa của cư dân lúa nước, có khắp nơi ở các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ lấy phương tiện lao động ra đua, đua xong thì lại đem sử dụng lao động. Đua ghe cũng vậy.
Nhưng ở Lệ Thủy thì khác. Con thuyền được chế tác ra chỉ để đua. Đua xong đem lên đình làng cất đó, năm sau hạ thủy đua tiếp. Nó có 2 ý nghĩa:
Một là tính chuyên dụng.
Hai là cư dân đã tôn phù con thuyền đó là vật thiêng, vật linh, không thể đem sử dụng tùy tiện. Nó được thờ như "thần thuyền" (một dạng tô tem giáo).
Tính chuyên dụng thể hiện thái độ trân quý của cộng đồng. Còn tính thiêng liêng hình thành từ lễ Cầu đảo. Vì thế nó là di sản tinh thần ăn sâu trong tâm khảm người Lệ Thủy.
Hầu hết thuyền được vẽ hình "thủy long" nhưng đầu thuyền ngày xưa viết chữ "thần" hoặc "khai" theo lối viết thảo. Ngày nay có thuyền vẽ quốc kỳ.
6. TRAI, GÁI BƠI
Trai bơi, gái đua gọi là trải. Trải bơi, trải đua là trai, gái làng.
7. SỐ LƯỢNG TRAI BƠI MỖI THUYỀN
Mỗi thuyền bơi có 12 cặp và một "éc" ("éc" là người một mình đầu mũi thuyền bơi), 2 chèo, 1 đốc lái (cai lái), một mõ (có thuyền 2 mõ), 1 tát nước.
Tất cả gồm 30 - 31 người.
8. CÁC VỊ TRÍ TRONG ĐÒ BƠI
LÁI, ĐỐC LÁI và CHÈO PHÁCH: là 3 tay trải điều khiển con thuyền.
ĐỐC LÁI chỉ làm nhiệm vụ điều hướng. Vị trí này nguyên ủy không có, mới có ở các lễ hội sau năm 1975 do học tập từ vị trí đua nghe ở miền Nam (và cả cano máy nữa)
QUAN LÁI là người chèo lái và quản lý mọi hoạt động của thuyền đua, có 2 chức năng: quản lý mọi hoạt động kể từ khi rời bến và trở về (trên đất thì quyền đó thuộc về Lý trưởng, nay là Trưởng thôn), và định hướng con thuyền bằng chèo "váy", "bát", "cạy" và tăng lực bằng chèo "nạp".
CHÈO PHÁCH không có giá trị điều hướng mà hỗ trợ lái và trải để tăng tốc. Đặc biệt khi con đò chuyển sang "mái khoan" (tức là nhịp bơi thưa hơn) thì phách hỗ trợ để cầm giữ lực.
Lái có vai trò quyết định trong việc điều hành con thuyền, chọn hướng đi cho con thuyền sao cho ngắn nhất, tránh luồng sóng cuộn và chấp khút. Khút là khúc cong của dòng sông. Điều hướng qua "khút" một cách nghệ thuật là có thể đưa con thuyền từ chỗ đi sau, qua khút lại vượt lên trước, nên có câu "mạnh chèo thua léo khút" là vậy. Lái có nhiệm vụ quan sát, lập thế (mẹo) để chèn thuyền đội bạn, tránh sự chèn ép ngược lại, đưa thuyền qua đúng kỹ thuật để khỏi chìm với vòng quay ở tiêu trở ngắn nhất.
ĐỐC MŨI là tay chầm ngồi một mình trước mũi.
Vị trí này phải chọn người lanh lợi, khỏe mạnh hơn người, hiểu biết chiến thuật bơi và là người hợp tác nhịp nhàng với toàn trải bơi và lái. Đốc mũi có 3 nhiệm vụ: một là lắng nghe mõ để khởi động nhịp chầm cho toàn thueyèn vơi; hai là quan sát đường đua để cùng với người chèo lái áp dụng chiến thuật điều hướng cho thuyền đi theo cung ngắn nhất, đặc biệt là nghệ thuật chấp khút (tức là lách qua thuyền bạn ở những khúc cua), ba là ứng phó với sự cố khi thuyền lệch hướng, chống va đập, tranh chấp khi "cận chiến". Vì vậy, người ngồi vị trí này có khi để tay chầm bơi bên phải, có khi lại chuyển sang trái, có khi dùng chầm chống, thậm chí bỏ chầm dùng tay xô, đẩy, níu, kéo.
MÕ (phương ngữ gọi là "mọ") là người điều khiển nhịp bơi thuyền cho trải.
Mõ là một khúc gỗ tre già được đục rỗng như một nhạc khí, rõ lên tiếng rất vang. Người giữ mõ phải có trình độ và kinh nghiệm chiến thuật đua thuyền, phải biết thuyền mình ăn mái gì thì lướt nhanh, nhịp gì thì thuyền bị đảo và đi chậm. Trên đường đua, lúc cần kích lực cho trải dồn sức để vượt qua thuyền đang cùng cạnh tranh tốc độ thì mõ sẽ gõ mái "xắp". Khi có khoảng cách an toàn, cần cho trải lấy sức thì gõ mái "khoan", mái "rãi". Người cầm mõ cũng như nhà chỉ huy dàn nhạc nhưng khác là cùng với việc giữ nhịp bằng mõ thì anh ta còn hò, hát và hô "hô lên" để truyền lực cho trải. Thấy anh nào bơi yếu, bơi lười thì ông mõ còn... gõ lên đầu. vừa gõ vừa hô: hô lên! hô lên!
NGƯỜI TÁT NƯỚC là người cực kỳ quan trọng
Anh ta có nhiệm vụ luôn quan sát để biết nước tràn vào thuyền từ chỗ nào và tát nhanh ra khỏi thuyền để giữ cho thuyền được nhẹ. Anh tà còn có 1 nhiệm vụ hết sức đặc biệt là múc nước trong thuyền nhưng không đổ ra sông và hất vung lên trời thành chùm nước rất điệu nghệ. Việc làm đó vừa để...cho đẹp vừa là cách tiếp nước cho trải. Xưa, một giải bơi hai tiêu cách nhau khoảng hơn 10 cây số, có khi 15 cây, hai vòng thành 30 cây số, ba vòng sáu tao ("vòng" là một tour khép kín cả đi và về, "tao" là một chiều đường đua, bằng 1/2 vòng) vừa bơi mất năng lượng, vừa la hét, hô hò mà không thể uống nước dù nước ngay ở bên mạn thuyền. Lý do là nếu dừng tay uống nước thì vừa mất lực, vừa làm lỗi nhịp các tay bơi bên cạnh. Thêm vào đó, trải say bơi nên không nghĩ đến uống nước, dù khát cháy cổ. Người tát nước có nhiệm vụ hắt nước lên, nước rơi xuống, trai bơi thi thoảng vừa bơi vừa há mồm hứng những giọt nước đó cho đỡ khát. Vậy nên xem đua thuyền cứ thấy trai bơi vục chầm nhưng đầu ngữa ra, mồm há là vì vậy.
NGƯỜI CỔ VŨ là cổ động viên trên bờ
Thuyền qua làng nào thì cổ động viên làng ấy cổ vũ rất mạnh mẽ để tiếp tinh thần cho trai bơi. Họ dùng tất cả những gì có được như nón, mũ, khăn, áo, các công cụ, dụng cụ từ song, nồi, thau chậu... để vẫy. Nhưng ít người biết một nhiệm vụ quan trọng của người cổ vũ trên bờ là lội ra thật ra để càng gần thuyền đang bơi qua càng tốt bấy nhiêu và múc nước tạt lên thuyền bơi. Đó không phải là cổ vũ, mà là tiếp nước.
Có điều đặc biệt là người cổ vũ (gọi là ngoắt - ngoắt nôốc bơi) không chỉ cổ vũ riêng cho thuyền làng mình mà bất cứ thueyèn nào đi qua vị trí họ đang đứng thì họ vẫn cổ vũ và tiếp nước vô tư. Tinh thần cộng đồng cao là vậy đó.
ĐUA THUYỀN Ở LỆ THỦY KHÔNG CÓ TÍNH TRANH ĐUA MÀ CHỈ LÀ THAO DIỄN LỄ HỘI
Nét đặc biệt của đua thuyền Lệ Thủy là thắng hay thua cũng chung mục đích là tạo sự thăng hoa trong ngày lễ hội. Thuyền thắng có giải rất vui, tất nhiên rồi, là vui khi trao giải. Còn sau đó về làng thì họ quên ngay thắng thua mà thi nhau kể những câu chuyện tranh đua, vì sao thắng, vì sao thua, thuyền nào hay, thuyền nào dở. Sau đó là các "màn" bịa chuyện hài hước và chạm cốc... Tất cả đều toát lên niềm vui rạng rỡ vì đó là văn hóa làng, mang đậm tính cộng đồng.
ĐUA THUYỀN Ở LỆ THỦY THỂ HIỆN SỰ BÌNH ĐẲNG
Mỗi năm đua thuyền một lần. Dù lần đua thuyền năm trước thắng hay thua thì vào lễ đua thuyền năm mới mọi đội thuyền đều quay trở lại điểm xuất phát. Cả một tháng trước khi lễ hội khai mở, làng nào cũng sửa sang lại thuyền. Con thuyền năm trước được giải cũng như thuyền về hạng bét đều được tháo mở ra, chằng néo và chỉnh sửa hình thái khí động học từ đầu. Mọi thao tác này chủ là kỹ năng bản địa, không hề có một tài liệu, sách vở hoặc công thức toán lý nào cả. Giáo sư khí động học về đó cũng chỉ đứng nhìn thợ đóng thuyền thao tác. Vì thế, giá trị quan trọng của sự bình đẳng này là tạo nên hi vọng, khơi dậy niềm vui cho lễ hội.
LỄ HỘI MANG ĐẾN TINH THẦN TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG
Trước lễ hội, con em trong làng và con em ly hương đều náo nức. Không cần một sự vận động nào cả, tất cả thành viên cộng đồng đều chung tay vào lo công việc. Trước hết là chuẩn bị những nghi thức tâm linh. Sau đó là tìm thợ giỏi, góp ý và chung tay chăm lo con thuyền đua. Những người không làm việc trực tiếp thì đóng góp kinh phí. Thời xưa, nuôi được con lợn béo là quý lắm, có người vác luôn con lợn trong chuồng về đặt trước đầu thuyền ủng hộ đò bơi, người khác đem đến cả bao nếp. Ngày nay có đại gia ủng hộ hàng trăm triệu, người dăm bay trăm, người vài chục nghìn, tất cả đều tự giác.
LỄ HỘI GÓP PHẦN TẠO NÊN SỰ CỐ KẾT VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG
Đến mùa lễ hội, những đứa con Lệ Thủy ly hương đã chuẩn bị ngay kế hoạch về quê. Có thể ngày Tết âm lịch chưa chắc đã về nếu có khó khăn, nhưng ngày hội đua thuyền thì vượt khó để về. Đây là dịp đoàn tụ gia đình và sum họp cộng đồng lớn nhất trong năm. Nhờ lễ hội, nhiều hoạt động ân nghĩa diễn ra, nhiều người thân lâu ngày gặp lại. Quý hóa lắm.
Tác giả: Khắc Thái